GÓC EM BÉ

5 Tips đọc sách cho bé từ 0-3 tuổi

Đọc sách cho bé là một trong những cách giúp trí não trẻ phát triển một cách tốt nhất. Lời khuyên đọc nhiều sách không chỉ dành cho trẻ em mà còn dành cho mọi lứa tuổi. Lợi ích của việc đọc thì không có gì để phải phân tích thêm. Tuy nhiên một số trẻ không có hứng thú với việc đọc sách, hay truyện, hay thậm chí là không thích nghe bố mẹ đọc sách cùng trẻ. Phải làm sao để trẻ có tập luyện được thói quen tốt này từ nhỏ?

1. Không bắt buộc phải đọc hết nội dung quyển sách:

Trẻ em cũng giống như người lớn, các bé cũng có đa dạng tính cách. Có bé có thể chăm chú ngồi đọc sách, lật giở từng trang một và thích lắng nghe, ngẫm nghĩ. Ngược lại, có một số bé không có nhiều kiên nhẫn ngồi yên nghiên cứu một cái gì đó.

Có nhiều nhóc tì có quá nhiều năng lượng và luôn vận động không ngừng. Thậm chí khi đọc sách bé còn lật nhanh liên tục 5-6 trang liên tiếp mà không cần nhìn. Ba mẹ đừng quá lo lắng, cũng đừng áp đặt rằng con phải đọc hết từng trang một. Việc đọc sách cho bé trong thời gian này chỉ để cho bé làm quen với ngôn ngữ và hình ảnh, màu sắc. Bé không cần phải đọc hết cả một câu chuyện.

2. Ba mẹ để trẻ tự do đọc sách theo ý thích của trẻ:

Ba mẹ không nhất thiết phải là người đọc sách cho trẻ nghe. Ngay cả khi bé nhà bạn còn chưa biết đọc, chưa hiểu được câu chuyện trong sách, thì bé vẫn có một thế giới riêng tự suy diễn theo cách nghĩ của trẻ.

Ba mẹ hãy cho bé một khoảng thời gian có thể ngồi “chơi” với những quyển sách, tự lật giở và cảm nhận. Bé không cần phải “đọc” sách theo thứ tự trang, thậm chí bé có thể “đọc” một cuốn sách ngược. Nhưng đó là khoảng thời gian bé tự tìm hiểu câu chuyện đang diễn ra trong sách.

3. Không ép buộc trẻ đọc sách:

Dù là người lớn hay trẻ em thì việc đặt chỉ tiêu hay áp đặt một sở thích cũng là một chuyện rất khó chịu. Ba mẹ chỉ cần tạo thói quen đọc sách cho trẻ vào một giờ nhất định. Giờ đọc sách có thể là trước khi đi ngủ, hoặc sau giờ ăn chiều. Nhưng ba mẹ không nên bắt trẻ phải đọc bao nhiêu quyển sách. Nên tạo cho trẻ tâm lý “đọc sách là niềm vui”.

đọc sách cho bé từ 0-3 tuổi

4. Bé có những quyển sách yêu thích riêng:

Người lớn thường hay nghĩ rằng sách đã đọc rồi thì bé sẽ dễ chán. Thật ra mỗi em bé đều có một quyển sách yêu thích riêng. Con gái mình có một quyển sách “tủ”, mỗi lần đọc bé sẽ đọc đi đọc lại ít nhất là 3 lần. Tư duy của trẻ em khác với người lớn. Người lớn thường đọc sách vì nội dung, những sách nào đã biết trước nội dung rồi thì sẽ không hứng thú nữa. Nhưng đối với bé, nhiều khi bé yêu thích chỉ vì màu sắc hay vần điệu, hay là do cách đọc của mẹ.

Dù là lí do gì, thì việc đọc đi đọc lại một quyển sách “tủ” cũng giúp trẻ tăng hứng thú với sách và khả năng ghi nhớ các chi tiết trong sách.

5. Bé từ 0-3 tuổi thích ném và xé sách, phải làm sao?

Đối với bé trong tầm tuổi này, sách cũng là một dạng đồ chơi. Bé ném và xé sách không phải là do không thích đọc sách. Nhiều khi đó lại là quyển sách yêu thích nhất của bé. Đó chỉ đơn giản là hành động khám phá thế giới của trẻ.

Trước khi trẻ học được cách bảo quản đồ dùng, ba mẹ phải “thỏa hiệp” với chuyện đó. Mình có một số tips để sống còn qua giai đoạn này mà không phải tốn quá nhiều chi phí mua sách:

  • Chọn những loại sách không quá đắt đỏ, lỡ rách đỡ tiếc. Dù gì thì trẻ trong độ tuổi này cũng không cần đọc những quyển sách quá nhiều trang. Nên mình chọn cho bé những sách tầm 26 trang (13 tờ) trở xuống.
  • Sách có chất liệu dày như bìa cứng, cũng không nên quá nhiều trang.
  • Chọn loại sách có chất liệu khó “tàn phá” như vải (Tham khảo Sách vải cho bé từ 0-6 tuổi hay nhất).
  • Một tuyệt chiêu khá “bần cùng” khác nữa là mình dán băng keo trong lên các cạnh sách, làm tăng độ khó khi xé của các siêu quậy nhí.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!