GÓC BA MẸ

Nuôi con theo EASY – Kinh nghiệm từ A-Z cho người mới bắt đầu

Nuôi con theo EASY là một chủ đề được rất nhiều mẹ bỉm quan tâm hiện nay. Phương pháp EASY giống như một hot trend của các mẹ bỉm sữa khi có nhiều group và cộng đồng mạng xã hội chia sẻ về đề tài này. Cũng như các mẹ, mình cũng nghiên cứu rất kỹ và chuẩn bị tâm thế để làm một hot mom nhàn tênh (như slogan Bé khỏe, mẹ nhàn tênh). Nhưng trong thực tế, việc bỏ quên não trong bệnh viện sau khi sinh và một số rắc rối khác về sữa mẹ đã làm mình hoàn toàn bị hạ gục vào thời gian đó.

Mình bắt đầu với EASY trễ hơn một chút chứ không theo kế hoạch ban đầu. Nhưng không sao, mình vẫn ngồi sừng sững ở đây viết câu chuyện này. Vì mình hy vọng có thể chia sẻ một chút kiến thức về EASY cho các chị mẹ trẻ mới bắt đầu con đường EASY.

Mục lục đọc nhanh

  1. Phương pháp EASY là gì?
    1. Định nghĩa nuôi con theo EASY
    2. Ưu nhược điểm khi nuôi con theo phương pháp EASY
  2. Nên bắt đầu thói quen EASY cho trẻ sơ sinh khi nào?
  3. Những việc cần làm khi thực hiện phương pháp nuôi con theo EASY
  4. Áp dụng phương pháp nuôi con theo EASY trong từng giai đoạn
    1. EASY 3
    2. EASY 3.5
    3. EASY 4
    4. EASY 2-3-4
    5. EASY 5-6
  5. Những băn khoăn thường gặp về phương pháp EASY

1. Phương pháp EASY là gì?

1.1. Định nghĩa nuôi con theo EASY

Theo bộ sách cẩm nang nuôi dạy trẻ sơ sinh nổi tiếng Baby Whisperer, tác giả Tracy Hogg đã giới thiệu về EASY. Khái niệm này nói về chu kỳ sinh hoạt lặp đi lặp lại trong một ngày của một em bé. Trong đó:

  • E-Eat: Bé ngủ dậy sẽ được ăn.
  • A-Activity: Mẹ cho bé chơi vận động.
  • S-Sleep: Mẹ đặt bé xuống cho bé ngủ.
  • Y-Your time: Sau khi bé ngủ sẽ là thời gian mẹ nghỉ ngơi và làm việc riêng.

Sau khi bé ngủ dậy, bé lại được tiếp tục đi vào 1 chu kỳ EASY mới: ăn, chơi, ngủ và tiếp tục là thời gian dành cho mẹ. Cứ như vậy lặp đi lặp lại cho đến khi bé đi vào giấc ngủ đêm, kết thúc một ngày của mẹ và bé.

Khi theo EASY, chu kỳ sinh hoạt của trẻ được lặp đi lặp lại đúng giờ giấc và tuân theo một thứ tự đã định mỗi ngày. Tuy vậy, mẹ cũng không nên quá khắt khe quá với bé. Mỗi bé có thể sẽ có một ít chênh lệch về thời gian. Miễn là mẹ tuân theo đúng trình tự theo phương pháp EASY, cho bé lặp lại quá trình ăn, sinh hoạt và ngủ. 

1.2. Ưu nhược điểm khi nuôi con theo phương pháp EASY:

a. Lợi ích cho bé

  • Hình thành cho bé thói quen sinh hoạt lành mạnh, tạo nên nhịp sinh học đầu đời cho bé. Lịch sinh hoạt điều độ cũng giúp sức khỏe của bé phát triển tốt hơn.
  • Giúp bé nhận biết được việc gì sẽ đến tiếp theo nên sẽ ít quấy khóc hơn.
  • Việc hiểu được lý do con khóc là gì sẽ giảm thiểu được tình trạng bú vặt. Vì thông thường, nếu mẹ chưa hiểu nếp sinh hoạt của bé, mẹ hay cho con bú mỗi khi con khóc vì nghĩ bé khóc vì đói. Thật ra trẻ có thể khóc vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

b. Lợi ích cho mẹ

  • Mẹ hiểu được các nhu cầu của con thông qua các tín hiệu. Khi đó, mẹ sẽ biết cách phản ứng với từng nhu cầu khác nhau của bé, dù con vẫn chưa biết nói. Việc hiểu được con giúp mẹ đỡ stress hơn rất nhiều. Thay vì cứ phải nghe con khóc liên tục nhưng không biết con khóc vì đói, hay buồn ngủ, hay khó chịu.
  • EASY tạo sự tự tin cho mẹ. Việc định hướng lịch sinh hoạt theo khoa học cũng giúp mẹ vững tâm hơn trong việc nuôi dạy con.
  • Mẹ có thời gian riêng cho bản thân. Sau khoảng thời gian dài mang thai và sinh con, cơ thể và tinh thần của mẹ cũng cần có thời gian hồi phục.

c. Nhược điểm:

  • Phương pháp nuôi con theo EASY vẫn còn mới ở Việt Nam. Nhiều gia đình vẫn có thói quen nuôi con theo cách truyền thống nên việc thay đổi tư tưởng khá khó khăn. Thời gian đầu khi mình áp dụng EASY cho bé, mẹ mình ngăn cản kịch liệt vì “con nít nhỏ xíu, nó có biết gì đâu mà dạy”. Hoặc “nói đói nên khóc đó, cho con ăn đi”, “muốn con đi ngủ thì phải ru, phải hát”. Nếu mẹ muốn áp dụng EASY, mẹ phải làm công tác tư tưởng cho gia đình và người phụ chăm bé từ trước đó. Đối với các mẹ có người phụ chăm là gia đình chồng thì việc này có thể sẽ cần nhiều khéo léo hơn một chút. Nhưng hãy tin mình đi. Khi con đã theo nếp rồi, thời gian ngủ của con sẽ thật sự là một thiên đường của mẹ.
  • Một số thông tin về EASY trên mạng còn chưa chính xác và bị sai lệch. Nên nhiều mẹ bỉm lâm vào tình trạng hoang mang. Thật ra, EASY không phải là đưa con đi lính và ép con vào lịch sinh hoạt mà mẹ muốn. EASY là lịch sinh hoạt dựa trên nhu cầu sinh hoạt của bé và thời gian biểu được khoa học nghiên cứu để bé có thể phát triển tốt nhất.
  • Mỗi em bé là một cá thể khác nhau. Mẹ hãy chấp nhận việc thời gian biểu của bé không thể hoàn hảo 100% mà vẫn có thể có sai lệch một chút. Không sao, hãy thả lỏng. Chỉ cần lịch sinh hoạt của bé đều đặn theo trình tự EASY mỗi ngày là được.

2. Nên bắt đầu thói quen EASY cho trẻ sơ sinh khi nào?

Theo các tài liệu, thời điểm lý tưởng để mẹ có thể bắt đầu cách dạy con theo EASY là khi bé được 1 tháng tuổi. Khi bé vừa mới sinh ra, bé cần thời gian thích nghi với cuộc sống bên ngoài. Mẹ cũng cần thời gian để tiếp nhận một nhân tố mới trong cuộc đời mình.

Sau một tháng, khi mọi thứ dần ổn định. Lúc này mẹ sẽ có thời gian để ghi chép và làm quen với thói quen sinh hoạt của bé và ước tính lượng sữa mà bé cần cho mồi lần bú. Điều này sẽ giúp bạn biết được cơn đói, thói quen ăn – chơi – ngủ của trẻ sơ sinh. Và điều chỉnh lại cho phù hợp với sự phát triển của con.

Đối với một số trường hợp đặc biệt, việc bắt đầu EASY có thể sẽ trễ hơn. Ví dụ như bản thân mình gặp một số rắc rối với việc cho con bú sữa mẹ. Nên mình phải mất một thời gian loay hoay, sau khi ổn định rồi mới bắt tay vào EASY. Nhưng nếu được, hãy cho bé quen với EASY sớm. Vì nếu trẻ càng lớn, càng quen sinh hoạt tự do thì lại càng khó để sinh hoạt nề nếp.

3. Những việc cần làm khi thực hiện phương pháp nuôi con theo EASY

3.1. Nghiên cứu về EASY trước khi bắt đầu áp dụng.

Đây là điều tất yếu và quan trọng. Việc nghiên cứu và tìm hiểu giúp mẹ bỉm:

  • Có được kiến thức một cách chủ động và không bị cập rập khi vừa phải chăm con, vừa học thêm kiến thức mới.
  • Có kiến thức đúng và đủ. Việc thực hiện sai cách làm cho mẹ bỉm rối bời và dễ rơi vào khủng hoảng.
  • Có thời gian để chuẩn bị cho EASY. Bao gồm cả việc thống nhất phương pháp nuôi dạy con với gia đình.

Thông qua các thông tin mạng internet, báo, đài hoặc bạn có thể tham vấn ý kiến của các chuyên gia hoặc bác sĩ chuyên ngành.

3.2. Lập kế hoạch thích hợp và hiểu hơn về con.

Sau khi nghiên cứu kỹ về phương pháp EASY và đã trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, mẹ thực hiện việc quan sát những thói quen hàng ngày của bé như:

  • Bé muốn ăn khi nào.
  • Bé muốn ngủ khi nào.
  • Khi nào bé muốn đi vệ sinh.

Dựa vào những thói quen này, mẹ cần căn cứ thêm vào thực trạng của con để lên kế hoạch cho con theo phương pháp này một cách hợp lý nhất. Sau này khi bé lớn hơn, cơ thể bé cũng yêu cầu lịch sinh hoạt mới. Việc ghi chép cũng giúp mẹ nhận biết được thay đổi của con và điều chỉnh cho phù hợp.

4. Áp dụng phương pháp nuôi con theo EASY trong từng giai đoạn

Lưu ý: Trong các lịch sinh hoạt tham khảo bên dưới, mình lấy mốc thời gian bé dậy là 7g. Nếu con bạn dậy sớm hoặc trễ hơn một chút, mẹ hãy linh động điều chỉnh cho phù hợp với lịch của bé nhà mình nha.

4.1. Chu kỳ EASY 3:

Chu kỳ Ăn-Chơi-Ngủ của bé kéo dài trong 3 tiếng và được lặp lại như vậy trong ngày.

Phương pháp easy cho trẻ sơ sinh
Nuôi con theo EASY trong giai đoạn từ 0-3 tháng tuổi – Chu kỳ EASY 3
phương pháp easy cho người mới bắt đầu EASY 3
Lịch sinh hoạt tham khảo nuôi con theo EASY theo chu kỳ EASY 3

Trong 3 tháng đầu, nửa đêm bé có thể đòi ăn 1 –3 lần. Mẹ cho bé ăn rồi đặt bé ngủ lại mà không cần phải ru hay có hoạt động gì. Vì bé đã được ăn no và quen giấc ngủ nên sẽ hạn chế tình trạng quấy khóc hơn. Trẻ sơ sinh giai đoạn đầu thường có hoạt động chủ đạo là ăn và ngủ. Mẹ không cần phải lo lắng khi bé ngủ khá nhiều (từ 12 – 18 tiếng/ngày).

4.2. Chu kỳ EASY 3.5 (EASY chuyển giao):

Trong khoảng từ 7-11 tuần, một số bé sẽ có một trong những biểu hiện sau:

  • Giấc ngủ ngày ngắn lại
  • Giấc ngắn cuối ngày rất khó vào giấc, hoặc bé bỏ luôn giấc ngắn này.
  • Bé thức khuya thêm và khó ngủ vào giấc đêm.
  • Bé dậy đêm nhiều lần.

Đây là một số các tín hiệu cho thấy bé đã lớn và nhịp sinh học có sự điều chỉnh. Lúc này cơ thể bé có thể tích trữ năng lượng lâu hơn, mẹ hãy điều chỉnh lên lịch sinh hoạt EASY 3.5 cho bé nhé.

chu kỳ EASY 3.5
Lịch sinh hoạt tham khảo nuôi con theo EASY theo chu kỳ EASY 3.5

4.3. Chu kỳ EASY 4:

Tương tự như sự chuyển giao từ EASY 3 sang EASY 3.5, khi mẹ nhận thấy khoảng cách giữa các cữ bú của con đã giãn ra, cắt bớt 1 giấc ngủ ban ngày. Thì là dấu hiệu để mẹ chuyển sang EASY 4.

Trong giai đoạn này, mẹ cần tăng thời gian thức trước khi cho bé ngủ. Nếu ở EASY 3.5 thời gian thức chỉ 1h30p. Thì ở EASY 4 mẹ có thể cho bé thức 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng trước khi ngủ và giãn cữ các bữa ăn của bé.

phương pháp easy 4
Nuôi con theo EASY trong giai đoạn từ 8-19 tuần tuổi – Chu kỳ EASY 4
dạy con theo easy 4
Lịch sinh hoạt tham khảo nuôi con theo EASY theo chu kỳ EASY 4

Nếu bé ở độ tuổi này vẫn có dấu hiệu muốn ăn đêm thì mẹ có thể cho con ăn 1 bữa đêm. Nhưng nên sớm chấm dứt tình trạng này để tránh việc bé bú đêm nhiều sẽ đòi bú vặt ban ngày và không hợp tác với chu kỳ ăn uống. Ngược lại nếu bé bú vặt ban ngày nhiều sẽ thường thức dậy ban đêm đòi ti, ảnh hưởng đến giờ nghỉ ngơi của cả mẹ và bé.

4.4. Chu kỳ EASY 2-3-3.5 hoặc 2-3-4:

Khi bé được 3-4 tháng tuổi, bé sẽ có 1 thời gian bị khủng hoảng hoảng ngủ. Dù mẹ đã thực hiện đúng EASY 4 thì bé vẫn dậy đêm 1-2 lần và khó ngủ lại. Tín hiệu để bé chuyển sang giai đoạn này là bé bỏ một giấc ngủ ngắn ban ngày. Và với các bé tự ngủ thì việc phản kháng không chịu ngủ, quấy khóc có thể xảy ra.

Giấc ngủ ban ngày của bé có thể ngắn lại, có giấc chỉ khoảng 30 phút. Ban đêm con khó ngủ, trằn trọc và ngủ muộn hơn trước. Đây là những dấu hiệu để mẹ chuyển từ chu kì EASY 4 sang chu kì EASY 2-3-3.5 hoặc EASY 2-3-4.

easy 2 3 4
Nuôi con theo EASY trong giai đoạn từ 19-46 tuần tuổi – Chu kỳ EASY 2-3-4
luyện con theo easy
Lịch sinh hoạt tham khảo nuôi con theo EASY theo chu kỳ EASY 2-3-4

Các mẹ lưu ý nên áp dụng các phương pháp luyện ngủ cho trẻ sơ sinh theo chu kỳ EASY đều đặn suốt khoảng 3 tuần để bé hình thành thói quen tự nhiên. Khi quen với chu kỳ, trẻ có thể tự ngủ từ 8 giờ tối đến 6 – 7 giờ sáng hôm sau mà không quấy khóc, đòi ăn đêm.

4.5. Chu kỳ EASY 5-6:

Nếu bé đang sinh hoạt ở chu kỳ EASY 2-3-4, nhưng ban đêm bé lại trằn trọc khó ngủ, thậm chí không ngủ được một trong hai giấc ban ngày. Nếu hiện tượng này kéo dài quá 6 tuần, mẹ  nên xem xét đến việc chuyển sang chu kỳ 5-6 cho bé, giảm giấc ngủ ngày cho bé. Bé có những tín hiệu chuyển giao trong khoảng 11-14 tháng tuổi tùy từng bé.

Nuôi con theo EASY trong giai đoạn từ sau 46 tuần tuổi - Chu kỳ EASY 5-6
Nuôi con theo EASY trong giai đoạn từ sau 46 tuần tuổi – Chu kỳ EASY 5-6
Lịch sinh hoạt tham khảo nuôi con theo EASY theo chu kỳ EASY 5-6
Lịch sinh hoạt tham khảo nuôi con theo EASY theo chu kỳ EASY 5-6

Tới giai đoạn này, mẹ nên tăng thời gian thức chơi ban ngày của bé và giảm thời gian ngủ giấc ngắn buổi sáng của bé tới khi có thế cắt hẳn, chuyển cho bé ngủ trưa nhiều hơn (khoảng 2 tiếng).

Để giúp bé có thể cắt hoàn toàn một giấc ngủ ngắn ban ngày, mẹ nên kéo dài thời gian thức cho con lên 30 – 45 phút để cho con chơi. Sau 16h chiều cũng không cho bé ngủ thêm mà có thể tắm hoặc chơi với bé. Tối bé sẽ dễ ngủ sớm hơn vì bị cắt giấc ngủ chiều. Đối với việc ăn đêm của bé mẹ có thể giảm bằng cách tăng lượng ăn ban ngày và giảm dần lượng ăn đêm để bé không bị đói và vẫn ngủ nguyên đêm.

5. Những băn khoăn thường gặp về phương pháp EASY

Cơ thể và khả năng tích trữ của mỗi bé khác nhau nên thời gian sinh hoạt cũng có sự chênh lệch. Mẹ hãy ghi chép và theo dõi lịch sinh hoạt của con. Miễn sao con đáp ứng được trình tự sinh hoạt đều đặn mỗi ngày là được. Ngoài ra, mẹ còn có thể tham gia một số group các mẹ bỉm sữa nuôi con theo EASY trên mạng xã hội để tìm hiểu rõ hơn về các lịch EASY (có điều chỉnh) khác để theo dõi thêm về lịch sinh hoạt phù hợp với bé nha.

Phía trên chỉ là thông tin chung về EASY và các phương pháp nuôi con theo EASY phổ biến. Trong thực tế, việc áp dụng EASY còn phụ thuộc nhiều yếu tố như tính cách của bé và môi trường xung quanh. Mẹ và bé còn có thể gặp một số vấn đề như:

  • Bé bị lẫn lộn ngày đêm
  • Phải làm sao khi bé bị nôn trớ? Bé ăn có no không? Giờ ăn ảnh hưởng đến các giờ sinh hoạt khác khiến lịch EASY bị đảo lộn.
  • Các vấn đề khi cho bé ăn buổi đêm.
  • Làm thế nào để luyện ngủ cho bé đúng theo giờ giấc.

Và còn ti tỉ các vấn đề khác khi chăm sóc con nhỏ. Mình sẽ viết thêm về các đề tài này trong những bài viết sau. Hoặc mẹ có thể nghiên cứu về EASY theo sách Nuôi con không phải là cuộc chiến của tác giả Hachun Lyonnet và Hương Đỗ.

Combo 4 Cuốn Bộ Sách: Nuôi Con Không Phải Là Cuộc Chiến tại TIKI

Chúc ba mẹ có thật nhiều thời gian hạnh phúc cùng với con.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!